Hiệu trưởng Trường John Robert Power Việt Nam: Có tự tin mới vượt qua được khó khăn

Tôi đến văn phòng Trường John Robert Power Việt Nam đúng ngày sinh nhật lần thứ 48 của bà hiệu trưởng, trong không gian ngập tràn hoa và những lời "Chúc mừng sinh nhật mẹ”, "Chúc mừng sinh nhật cô” từ những học sinh trưởng thành từ ngôi trường này.

Hiệu trưởng Trường John Robert Power Việt Nam: Có tự tin mới vượt qua được khó khăn

Bà Võ Thị Xuân Trang chia sẻ: "Đó là hạnh phúc, là cái lãi lớn nhất của tôi trong hành trình 11 năm dạy học".

* Bà vừa nói đến hai chữ "hành trình", có cảm giác đó là quãng đường dài với bao khó khăn?

- 11 năm chưa phải dài nhưng với không ít khó khăn khi đưa về Việt Nam một sản phẩm có vẻ trừu tượng, mới mẻ là dạy về phát triển nhân cách cá nhân và phát huy tài năng, trong khi thị trường chưa có nhu cầu. Khi tôi mới nhận nhượng quyền và đưa trường về Việt Nam, đã có người cảnh báo chỉ 2 năm là John Robert Power sẽ đóng cửa, nhưng tôi lỳ lắm, đã theo đuổi thì nhất quyết không bỏ.

Thậm chí, có người còn nói học ở đây là quăng tiền qua cửa sổ. Có người lại khuyên phải thay chữ "nhân cách" vì dễ gây tự ái, hiểu lầm cho người học. Nhưng tôi kiên quyết không thay đổi, bởi mong muốn của tôi là xã hội phải đề cao nhân cách mỗi con người.

Phải nói, 2 năm đầu là thời gian đầy khó khăn, tiền quảng cáo và chi phí khác bỏ ra rất nhiều nhưng không thu được lợi, Trường quá ít người học, nhân viên bỏ đi. Lúc đầu tôi bị trầm cảm vì không ai chia sẻ, không ai hiểu mình, ngay cả người trong gia đình. Trong cảnh bế tắc ấy, tôi tìm đến sách và đọc được câu châm ngôn "Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường".

Tôi nhớ lại hình ảnh mạnh mẽ của mình ngày trước và tưởng tượng ra tương lai tươi sáng nên đã xốc lại tinh thần. Thế là tôi quyết định bán nhà ở Phú Mỹ Hưng để tiếp tục hành trình với John Robert Power. Suốt 11 năm hoạt động nhưng mãi đến năm thứ 8, thứ 9, tôi mới bắt đầu "thở" được và đến nay thì John Robert Power đã "hữu xạ tự nhiên hương".

* Trường xác định học viên là doanh nhân, người mẫu, diễn viên và thanh thiếu niên gia đình khá giả. Vậy họ có đặc điểm gì chung mà cần bồi dưỡng nhân cách?

- Hệ thống Trường John Robert Powers khá mạnh ở Mỹ, trụ sở đầu tiên xây dựng vào năm 1923 và sang châu Á những năm 1980. Khi khảo sát ở Việt Nam, chúng tôi thấy chưa có trường nào đạo tạo về những kiến thức nhân cách. Cái khó là mỗi giáo trình của John Robert Powers dạy theo lứa tuổi, mà sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi ở các nước phát triển có khác so với ở Việt Nam, mỗi môn học lại không nhiều thời gian. Thành ra có môn phải thay đổi một chút.

Ví dụ, môn tâm lý ở lứa tuổi 8 - 11, ở nước ngoài dạy những rắc rối tình yêu thì về Việt Nam phải chuyển sang lứa tuổi 12 - 17. Còn những môn như trang phục, giao tiếp... không thay đổi bởi họ quá chuyên nghiệp rồi. Các chương trình được phân bổ theo lứa tuổi: 7 - 8, 9 -11, 12 - 17, 18 - 22 và những người đang làm việc.

Giáo trình có 8 modul chính chia ra làm 10 môn, như sự phát triển tính cách, như giao tiếp qua ánh mắt, độ tin cậy..., giao tiếp trong kinh doanh, giao tiếp quốc tế, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ, kỹ năng đứng nói trước công chúng, cách ăn mặc phù hợp với từng hoàn cảnh. Chương trình đào tạo gồm 5 cấp độ: Phát triển nhân cách căn bản, nâng cao hình ảnh bản thân, hoàn thiện nghề nghiệp, phát triển nhân cách nâng cao, tôn vinh hình tượng.

Chẳng hạn như đối với người đang công tác, ở cấp độ 1 dạy định hướng sống, cấp độ 2 cũng dạy định hướng sống nhưng được nâng cao, cấp độ 3 học phát triển nhân cách, cấp độ 4 - 5 tập trung tư duy sáng tạo, kỹ năng sống. Học viên của chúng tôi là những người có nhu cầu hoàn thiện mình, làm đẹp mình và tự tin hơn.

* Sau khi tự "xốc dậy", bà tâm đắc nhất điều gì?

- Tin vào bản thân. Chỉ có sự tự tin mới vượt qua được khó khăn, đi đến thành công. Sau này tôi thường khuyên học sinh: "Cho dù cả thế giới quay mặt với bạn, ngay cả khi không ai tin bạn, bạn cũng không được mất niềm tin vào bản thân".

* Bà có thể cho biết vì sao lại nhận nhượng quyền của Trường John Robert Power?

- Từ nhỏ tôi đã có gen mua bán. Nhớ thời học lớp 4, lớp 5, nhà có tủ lạnh, tôi biết làm nước đá để mỗi sáng bán cho quán cà phê, rồi mẹ làm giấm, tôi đi bỏ mối. Thời sinh viên, tôi cùng chị gái đến các ký túc xá mua gạo về bán kiếm lời. Công việc nào cũng suôn sẻ và kiếm được tiền. Vì vậy, để chồng yên tâm làm việc nhà nước, tôi phải chọn "chân ngoài" là làm việc cho doanh nghiệp FDI để tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Trong một lần trò chuyện với ban bè  tại hội chợ ngành ảnh của Mỹ, được biết nếu 2 học sinh cùng điểm thi vào Đại học Harvard nhưng ai có tầm ảnh hưởng và có đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn sẽ được ưu tiên. Tôi tự hỏi, mình đã cống hiến gì cho cộng đồng chưa? Ngẫm lại thời gian làm việc ở Công ty Fujifilm, dù nhiều tiền, được đi đây đó nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc và cũng chưa làm gì có ý nghĩa cho cộng đòng.

Tôi thường tham dự hội thảo ở nước ngoài, nhận ra người Việt mình rất đẹp nhưng trong mắt bạn bè quốc tế thì vẫn thiếu sự tự tin. Bản thân tôi dù được tiếp xúc với nhiều người trên thế giới, vẫn cảm thấy mặc cảm vì sự "quê kệch" trong giao tiếp, trong các hội nghị, hội thảo, vẫn lúng túng khi phát biểu, chưa có phong thái riêng. Và tôi muốn thay đổi.

Qua tìm hiểu, được biết có một trường ở Mỹ chuyên dạy về phong cách sống, sự tự tin và đã có nhượng quyền, tại Việt Nam cũng có người đang chờ được họ nhượng quyền. Nhận ra đây là trường tôi cần, tôi quyết định gửi thư đề nghị hợp tác. Ba lần gửi mail đề nghị nhưng không thấy hồi âm, tôi tiếp tục viết lá thư thứ tư, trình bày kỹ mục đích muốn được nhượng quyền.

Đại ý trong thư tôi nói: Nước tôi vừa trải qua chiến tranh và đang trên đường phát triển, đang hoàn thiện nhiều thứ còn thiếu và tôi muốn con người Việt Nam sẽ ngày càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn, đó là lý do tôi muốn mang John Robert Power về Việt Nam. Chính những điều tâm huyết đó, tôi đã thắng được nhiều đối thủ để được hợp tác nhượng quyền.

Từ đó, tôi rút ra kinh nghiệm: Muốn thương thảo thành công, hãy bắt đầu từ trái tim và thể hiện hết đam mê. Có những thương thảo chỉ đơn thuần là con số kinh doanh nhưng nếu là một công việc có tính nhân văn, chỉ cần có đủ đam mê, đối tác sẽ đón nhận vì họ hiểu người đam mê sẽ không bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

* Bà có thấy mâu thuẫn khi con đường mình chọn không phải là lĩnh vực kiếm được nhiều tiền, trong khi mục đích lập nghiệp là để kinh doanh?

- Đúng là làm giáo dục thì khó có nhiều lợi lộc về kinh tế nếu so với nhiều ngành khác, nhưng về lâu dài, nếu đi đúng tôn chỉ sẽ có lợi nhuận. Tuy không nhanh và vất vả hơn, nhưng đầu tư giáo dục mang được lợi ích lớn, đó là mang lại cho xã hội những con người tốt, có nhân cách và trí tuệ "khỏe mạnh". Rồi chính họ sẽ tiếp tục lan tỏa điều tốt đẹp đến người khác và khi xã hội có nhiều người tốt, xã hội đó cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Thực tế thì 80% học viên học từ John Robert Power Việt Nam đều thành công. Hiện nay Trường đã tự nuôi được mình và đã có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

* Như vậy, làm sao để "cân bằng" người phụ nữ làm nội trợ và người phụ nữ của công việc chung?

- Với tôi, công việc vĩ đại nhất của người phụ nữ là sinh con, nuôi dạy con tốt, thành người có ích cho xã hội. Vậy nên tôi thấy không khó để cân bằng giữa thiên chức làm vợ, làm mẹ với công việc ngoài xã hội. Làm tròn hai việc ấy đã là rất hạnh phúc vì mình nhận được nhiều sự yêu thương. Có tình yêu thương mới biết nhường nhịn, khoan dung.

* Người ta nói đằng sau sự thành đạt của người đàn ông là người phụ nữ. Vậy quan niệm của bà về người phụ nữ thành đạt?

- Hạnh phúc nhất trong cuộc đời và cũng là động lực giúp cho sự nghiệp của tôi đi xa hơn, đó là được chồng con yêu thương, ủng hộ, giúp đỡ trong công việc, để từ đó tôi càng có ích cho cộng đồng.

* Để là một người luôn có tinh thần tích cực, bà phải rèn luyện như thế nào?

- Có một thứ quan trọng mà ít ai biết, đó là năng lượng trong mỗi con người. Khi mình có tinh thần tích cực thì sẽ phát ra năng lượng tích cực. Vì vậy, tôi luôn rèn giữ năng lượng tích cực để truyền cho con, cho học sinh của John Robert Power Việt Nam.

* Trong bối cảnh không ít người Việt Nam, nhất là giới trẻ đang bị "lai nhiễm" văn hóa của cuộc sống hiện đại, bà lại đưa thông điệp "Hãy tự nhiên, hãy là chính mình". Phải chăng đó cũng là trăn trở của bà?

- Một trong những hành vi phổ biến của giới trẻ hiện nay là thích hưởng thụ, chỉ muốn được ăn sung mặc sướng, mơ mộng thành người nổi tiếng nhưng lại thiếu định hướng về chân thiện mỹ.

Một phần là do lỗi của những người làm cha mẹ, làm giáo dục, nhất là truyền thông nhan nhản những sản phẩm về cuộc sống xa hoa, phi thực tế, về những cô gái chỉ biết khoe mình và sống dựa vào đồng tiền và sự bao bọc của người khác nhưng lại được ngưỡng mộ, nổi tiếng. Đó là những con người bị thiểu năng về tâm hồn. Vì vậy, tôi muốn lên tiếng. Tuổi trẻ chỉ thành công là khi biết mình muốn gì và nếu giới trẻ được dạy để có suy nghĩ tích cực thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

* Nhiều năm làm công việc đào tạo, sự thay đổi nào của học sinh mà bà ấn tượng nhất?

- Rất nhiều chuyện đáng nhớ và ấn tượng về học sinh. Tôi nhớ Dương Trương Thiên Lý, trước khi đến trường như là con trai, không duyên dáng, tự tin như bây giờ. Tôi nhớ Gào, nổi tiếng là dữ dằn, cá tính, ngồi nói chuyện với tôi mà mắt cứ nhìn lên trời, nhưng sau khi học, em thay đổi thành cô gái dịu dàng, xinh đẹp, quan trọng nhất là em đã nhận thức được bản thân. Có lúc Gào nghĩ mình rất cô đơn. Em gồng mình để sống ở một thành phố xa lạ mà lúc nào cũng phải chứng minh là rất ổn. Nhưng bây giờ em đã trở nên dịu dàng, đằm thắm, biết yêu bản thân và yêu thương người khác.

* Công nghệ số đang tràn vào mỗi gia đình, tác động không ít đến sự gắn kết là nền tảng của mỗi gia đình. Bà nghĩ gì về điều này?

- Đã đến lúc con người phải quay về giá trị đáng tự hào trước đây, đó là hiếu thảo với cha mẹ, trách nhiệm của chồng với vợ, của vợ với chồng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái và ngược lại. Tôi may mắn sinh ra trong gia đình hạnh phúc. Cha tôi không bao giờ thô lỗ với mẹ.

Mẹ tôi là người rất kỷ luật, dạy tôi từng lời nói, dáng đi, cách ngủ. Và bây giờ tôi cũng dạy con như mẹ dạy mình ngày xưa. Rất vui là bây giờ con gái tôi đã làm marketing cho trường vì cháu đi theo tôi từ ngày thành lập tới giờ nên hiểu rõ sản phẩm mà tôi đang làm.

* Nếu nhận xét ngắn gọn về các nữ doanh nhân ngày nay thì theo bà là...

- Rất giỏi giang và rất cực. Đa số chị em doanh nhân phát triển rất nhanh về mọi mặt nhưng chưa toàn vẹn và đồng đều, nhiều chị em có tài năng rất đáng ngưỡng mộ nhưng chưa thật sự có phong cách, thần thái riêng, sự an nhiên vẫn chưa thể hiện.

Đâu đó, ẩn trong nụ cười, ánh mắt, gương mặt, dáng đi, cử chỉ của chị em vẫn toát lên sự mệt mỏi, sự chịu đựng, sự lo lắng bởi công việc điều hành doanh nghiệp và cạnh tranh trên thương trường. Trong khi doanh nhân nước ngoài luôn có phong thái ung dung, thể hiện rõ một con người nhân văn trong hành động và ứng xử. Họ biết yêu bản thân và cân bằng giá trị bản thân với xung quanh.

* Từng làm giám khảo một số cuộc thi người đẹp, thi hoa hậu, bà có nhận xét gì khi không ít người đẹp vẫn bị thành kiến về kiến thức và cách ứng xử?

- Do quan điểm xã hội và cũng do tiêu chí của nhiều cuộc thi chỉ hướng đến cái đẹp ngoại hình nên nhiều cô gái chỉ lo chăm chút làm đẹp mà bỏ quên việc trau dồi kiến thức, nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn và cách ứng xử nên có không ít hoa hậu, người đẹp trở thành trò cười khi trả lời rất ngớ ngẩn phần thi ứng xử.

Vì vậy, trong vai trò giám khảo của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ vừa qua, chúng tôi muốn thay đổi nhận thức của xã hội về danh hiệu hoa hậu, đó là những cô gái không chỉ có đủ tiêu chuẩn về ngoại hình mà phải đẹp về tâm hồn, trí tuệ. Đặc biệt, khi trở thành hoa hậu, không phải chỉ để mặc quần áo đẹp, thướt tha trong các sự kiện mà là hình mẫu của người vì cộng đồng, làm nhiều việc hơn cho cộng đồng, cho xã hội.

CÁC TIN LIÊN QUAN
Hiệu trưởng Trường John Robert Power Việt Nam: Có tự tin mới vượt qua được khó khăn
11 năm chưa phải dài nhưng với không ít khó khăn khi đưa về Việt Nam một sản phẩm có vẻ trừu tượng, mới mẻ là dạy về phát triển nhân cách cá nhân và phát huy tài năng, trong khi thị trường chưa có nhu cầu.
John Robert Powers Việt Nam: 10 năm – Những tâm hồn đẹp
Trường John Robert Powers vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập tại Việt Nam, đánh dấu một mốc son quan trọng trong hành trình 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển con đường kiến tạo những tâm hồn đẹp.

Địa chỉ: Tòa nhà Millennium (Mặt Nguyễn Hữu Hào)
132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 3930 8698 - (028) 3636 8010
Hotline: 0902 892 988
Email: info@jrpvietnam.com